Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Văn hay: Niềm vui và sự khó khăn trong việc học môn Ngữ Văn



GIỚI THIỆU MỘT BÀI VĂN HAY

Trong xu thế xem nhẹ môn Ngữ văn nói riêng và các môn học xã hội nói chung như hiện nay vẫn còn có nhiều học sinh yêu thích môn văn, miệt mài với môn văn , xem môn văn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Em Nguyễn Thị Thu Thanh - học sinh lớp 12C - trường THPT Thanh Chương 3 là một trường hợp như thế.

Đọc những bài văn của em, tôi nghĩ về nghề, nghĩ về những học sinh và nghĩ về những em say mê học văn, lòng tôi cảm thấy ấm lại, cảm thấy tương lai phía trước của các em vô cùng rộng mở.
Là một học sinh giỏi toàn diện, một trong ba em đat học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Ngữ văn trong kì thi vừa qua, Nguyễn Thị Thu Thanh đã có nhiều bài văn hay, xúc động, thể hiện được năng lực văn của mình. Với tinh thần của một giáo viên dạy văn, tôi xin giới thiệu một bài trong số đó. Mong bạn đọc góp ý kiến phê bình.

Đề ra.

Niềm vui và sự khó khăn trong việc học môn Ngữ Văn.

Bài làm.


Ngày 1 tháng 9 năm 2009

Mẹ kính yêu của con !

Đầu năm học mới con đã vò đầu để suy nghĩ nên chọn học lớp chuyên Văn hay lớp chuyên Toán. Hai cánh cửa này thật khó lựa chọn. Nhưng rồi con đã tìm ra được cánh cửa cho tương lai của mình: con quyết định đeo đuổi Văn học. Dù con đường ấy có nhiều khó khăn , trắc trở nhưng nó là nhiệt huyết và lòng đam mê khiến con không thể từ bỏ.

Mẹ nói rằng khối C ít nghề, khó khăn cho định hướng của tương lai. Thời đại Công nghệ thông tin bùng nổ các môn xã hội như Ngữ văn bị xem nhẹ. Người ta đua nhau học các môn tự nhiên. Ngay cả những bạn trong lớp con học giỏi môn Văn cũng đăng kí vào lớp Toán. Con thấy buồn lắm mẹ ạ! Và lúc dó con thấy rằng câu nói: “Bi kịch của thời đại chúng ta là thừa trí tuệ , thiếu tâm hồn” của một nhà văn Mê Hi Cô là rất có lí.Thực ra khối C ít ngành nhưng chỉ ít hơn khối A, còn trong thực tế ngành nghề của nó cũng nhiều, rất nhiều đấy chứ. Danh ngôn đã nói rằng: “ Đồng xu luôn có hai mặt, một ngày có cả bóng đêm và ánh sáng”. Đâu phải những gì trở ngại cũng luôn đến với người học Văn. Ngược lại con thấy ở Văn học có rất nhiều điều tốt đẹp. Và thực sự nó mang lại niềm vui cho con.

Mẹ ạ ! Con nhớ mãi lời dặn của mẹ : “Làm gì cũng phải có lòng đam mê”. Không ngẫu nhiên mà mẹ yêu môn Toán. Toán dành cho bố, mẹ, anh vì sự đam mê. Còn con Văn học chính là nụ cười, sự thích thú. Con học Toán chẳng kém gì Văn nhưng chỉ Văn học mới đáp ứng được những gì mà con mong ước. Văn chương là một thế giới cho đi mà không cần sự đáp trả. Con đã thực sự bị lôi cuốn bởi những trang Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, con mê Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, con đắm say vào Lão Hạc, Chí Phèo, Đời thừa của Nam Cao…và nhiều, nhiều những tác phẩm nữa đã gim chặt vào trái tim con. Không thực hiện được những đam mê của nình con thấy hẫng hụt, chán nản vô cùng. Ngữ Văn là người bạn tinh thần luôn đi sát cuộc đời con. Đánh mất một người bạn khác gì đánh mất chính mình, đánh mất ánh bình minh của sớm mai.

Con còn nhớ có một nhà thơ nói rằng: “ Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi”. Văn học như vị cứu tinh của cuộc đời. Học Văn tâm hồn con được giải tỏa, con không phải căng mắt lên vì những con số của bài toán, đau khổ vì những phương trình giao động của bài lí, mệt mỏi vì những công thức hóa học khó nhớ. Cứ mỗi lần đến giờ học Văn đầu óc con trở nên thư thái, tâm hồn thảnh thơi. Con chăm chú nghe tiếng nói ấm áp , truyền cảm của thầy. Những lúc đó con ước ao được như ngày xưa chỉ học mỗi văn chương, lấy văn chương làm trọng tâm thi cử. Ngươi hiền tài là người có văn hay, chữ tốt. Cái ước mơ đó của con không thể thành hiện thực với thời đại bây giờ nhưng sao nó cứ dồn nén lại hết thảy niềm vui, sự yêu thích của con.

Họ bảo rằng “học Văn không thiết thực” . Nhưng cuộc sống sẽ tối sầm lại nếu không có văn chương . Học văn con thấy mình giàu kiến thức cuộc sống, hiểu sâu hơn về cuộc đờì. Người ta bảo thời kì Nga Hoàng con người sống hèn nhược, bảo thủ, ích kỉ , co mình , con vẫn không định hình ra được nhưng khi đọc tác phẩm Người trong bao của Sê khốp là con đã hiểu ra tất cả- hiểu cả một thời đại lịch sử. Hay như nỗi khổ của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, qua trang sử con không có nhiều cảm xúc, sự cảm thương nhưng qua tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao con thấu hiểu nỗi khổ mà người nông dân phải gánh chịu; Con biết thế nào là người nông dân bị lưu manh hóa, bần cùng hóa.

Mẹ ơi! Nhiều lúc con tự hỏi: học hàng trăm định lí, công thức Toán học, nào là tích phân , vi phân, phép thử… nhưng áp dụng vào cuộc sống lại quá ít. Con chỉ thấy thông dụng ở cuộc sống những phép cộng, trừ, nhân, chia được học ở cấp I. Còn Văn, học bao nhiêu vẫn thấy không thừa. Văn học dạy cho con, cho mẹ và cho mọi người viết các văn bản, đơn giản nhất là giấy xin phép nghỉ học. Văn học dạy cho con cách nói năng, dùng từ đúng văn cảnh, hoàn cảnh nào là đúng đắn, hợp lí. Cũng dễ hiểu thôi vì Văn thuộc vào môn công cụ. Cuộc sống trong con lớn lên cũng nhờ văn học đó mẹ ạ !.
Không chỉ hiểu nhiều mà con còn nhận thức sâu về cuộc đời và rút ra nhiều bài học cho mình về cách sống . Có một nhà triết học nói rằng: “Ta tư duy nghĩa là ta tồn tại”. Sau mỗi tác phẩm Văn học con thường tư duy và nghĩ về cuộc sống. Sau Vội vàng của Xuân Diệu con biết quý trọng thời gian hơn nữa, luôn có ý thức sống hết mình , sống thật ý nghĩa trong quãng đời ngắn ngủi, phải làm được càng nhiều càng tốt những gì có thể; Sau Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) cho con biết tránh xa những cái lố lăng , bỉ ổi, đểu giả , học làm sang của tầng lớp tiểu tư sản, thị dân; Qua Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long con biết sống không cần biểu hiện, bày tỏ những cống hiến của mình, chỉ cần biết mình sẽ làm gì để cống hiến; Qua Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê con học cách đứng lên trong khó khăn, gian khổ, nhìn lên những ngôi sao của bầu trời để hướng về ngày mai xanh tươi, sáng rực. Thầy giáo dạy văn của con thường nói vui rằng: “Dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục” để động viên các con về niềm vui của việc học Văn, con thấy đúng quá mẹ ạ ! Nhưng con cũng biết rằng một con đường không bao giờ thẳng tắp và lối đi của con chắc vẫn còn lắm gập gềnh , khó nhọc. Cụ Phạm Công trứ cũng đã từng nói:

Đã trót vướng vào duyên bút mực
Cả đời mang lấy số long đong.

Con không thấy cái long đong của văn học nhưng con thấy văn chương phải học nhiều. Đành rằng môn khoa học nào cũng phải học cả một đời. Nhưng các môn học khác chỉ cần học sách vở, học thầy, học bạn. Còn văn chương phải học hết những gì có trong cuộc sống. Học cách quan sát đối tượng để có kĩ năng miêu tả tốt, học cách cảm thụ để cảm nhận văn chương cho hay, cho đúng, học cách rèn luyện cảm xúc để bài viết mượt mà, mềm mại... Những việc đó nào có công thức, định lí để áp dụng mà đòi hỏi tự bản thân phải tư duy, sáng tạo. Hơn nữa đường lối đổi mới trong giáo dục hiện nay là lấy học sinh làm đối tượng trung tâm, lề lối thầy đọc trò chép đã bị xếp bỏ. Áp lực của học sinh trong đó có con sẽ tăng lên. Nhưng trong khó khăn lại có thuận lợi. Con nghĩ phương pháp này giúp con chủ động hơn trong học tập. Con được rèn luyện suy nghĩ, phát triển tư duy, được bày tỏ ý kiến của mình, thầy là người lắng nghe, gợi mở, chỉ cho con sai, đúng thế nào. Rất tuyệt phải không mẹ !

Mẹ bảo “học văn chi phối nhiều thời gian và bị ảnh hưởng bởi tâm trạng” . Con đồng ý! Một bài toán con làm trong 5 phút, bài quá khó thì có thể 30 phút, một tiếng đồng hồ. Nhưng một bài văn con làm ít nhất phải 2 tiếng. Có lúc con làm một bài văn hết 4,5 tiếng đồng hồ, mẹ hoảng hốt sợ con đam mê quá không học được môn khác. Con biết đó là những khó khăn không tránh khỏi nhưng con sẽ cố gắng vừa học tốt môn Văn vừa đảm bảo yêu cầu học các môn học khác. Bởi văn chương là cuộc đời, làm sao mà sơ sài trước cuộc đời được chứ ?

Còn về tâm trạng, Đúng thật! con thấy học ảnh hưởng rất nhiều từ tâm trạng . Khi vui đọc một bài thơ thấy rạo rực vô cùng, khi buồn thấy nó thật ai oán. Viết một bài văn trong tâm trạng tốt văn phong sẽ được thăng hoa, trong tâm trạng bất ổn văn sẽ khô khan, lủng củng. Con nghĩ, khó khăn ở đâu thì vượt lên ở đó. Con sẽ cố gắng giữ tâm trạng tốt, viết nên những bài văn vừa hay, vừa sâu mẹ nhé ! Tuy đam mê với văn chương nhưng nhiều lúc con cũng sắp quỵ gối với những bài lí luận văn học quá hóc búa. Với một thiếu niên chưa được bồi đắp đủ những kiến thức mà lần đầu tiếp xúc với văn lí luận, con thấy sợ. Nó có một cái gì đó trừu tượng, đa nghĩa rất khó cảm nhận. Học đi học lại nhưng vẫn thấy nó mới lạ như vị khách lạ đến nhà. Đôi lúc con nản và thốt lên “ Khó quá trời” . Nhưng càng khó càng phải học đúng không mẹ. Không ai bảo học là dễ.

Bên cạnh đó phương pháp để làm một bài văn hay cũng là một vấn đề phải suy nghĩ. Có thầy thích một bài văn đầy đủ ý, có thầy thích bài văn có chất văn mượt mà, có thầy yêu cầu cần thể hiện tốt kiến thức lí luận… Để đạt được những yêu cầu đó con phải đi tìm “mật mã” cho một bài văn hay. Mà đã là mật mã thì rất khó mở. Con cần một thời gian nữa. Mẹ hãy ủng hộ con nhé !

Mẹ ạ, con nêu ra cả niềm vui và những khó khăn khi học Ngữ văn để nói rằng con đã nhận thức và suy nghĩ thấu đáo về việc chọn vào lớp chuyên văn. Mẹ là điểm tựa của con. Con mong mẹ sẽ hiểu. Con sẽ đẩy lùi những khó khăn và đứng vững trên con đường con lựa chọn. Vòng nguyệt quế chỉ giành cho những ai biết tự bước đi- con tin tưởng bước đi của mình. Và trên bước đi đó mẹ sẽ là người nâng đỡ con mẹ nhé!
Cám ơn mẹ ! Con yêu mẹ !

Bài làm của HS Nguyễn Thị Thu Thanh - Lớp 12C
Trường THPT Thanh Chương 3
ngh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét