Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Phân tích bài thơ "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm


Phân tích bài thơ "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm

Phân tích 7 câu cuối trong bài.



Gợi ý:

Trên cái nền của cảnh chợ chiều tưởng như hoang vắng, không còn ai là hình ảnh người mẹ yếu ớt và cô đơn :

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao bước thấp bên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa tạnh mái đầu bạc phơ


Đây là những câu thơ giàu chất tạo hình của cả đoạn, gây ấn tượng cho người đọc.

- Đầu tiên là hình ảnh bà mẹ già nua quẩy gánh hàng rong trở về khi chưa bán được một đồng. Xung quanh mẹ không có ai mà con đường như mỗi lúc một dài thêm : Bước cao bước thấp bên bờ tre hun hút.

- Bỗng nhiên xuất hiện hình ảnh con cò :

Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu


Nhưng đây lại là hình ảnh con cò lạ lùng nhất xưa nay. Đó không là con cò trắng quen thuộc biểu tượng về người phụ nữ Việt Nam tảo tần khuya sớm :

Con cò đi đón cơn mưa
Tối tam mù mịt ai đưa cò về?

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non


Đó càng không phải là con cò thanh thoát, nhẹ nhàng, thong thả trong cảnh yên bình :

Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng


Lần đầu tiên con cò đi vào văn chương với dáng vẻ hoảng hốt, sợ hãi :

Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu

Đến con cò nhỏ kia cũng là nạn nhân của quân giặc. Những bãi mía nương dâu có ngô khoai biêng biếc giờ không còn là đất sống của nó nữa.

- Hình ảnh con cò bay vùn vụt càng khắc sâu nỗi cô đơn, lẻ loi của người mẹ quê :

Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa tạnh mái đầu bạc phơ


Nỗi khổ vật chất (lòng đói) đi liền với là nỗi khổ tinh thần (dạ sầu ). Nhịp thơ lục bát 2/2 gợi gánh nặng chất chồng lên vai mẹ. Buổi chiều ảm đạm đọng mãi hình ảnh mái đầu bạc phơ của người mẹ già. Câu thơ chỉ tả mà cảm xúc lại nghẹn ngào, đau đớn.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét